Thị trường tiêu thụ chè trong nước có bị bỏ ngỏ?

Chè là một trong những mặt hàng nông sản có vai trò quan trọng trong kinh tế và an sinh xã hội.
Lâu nay, người ta vẫn thường nói năm nay xuất khẩu chè được bao nhiêu mà quên mất thị trường nội địa cũng như giá trị gia tăng của chè. Bài toán cần lời giải là làm thế nào để nâng cao giá trị chè xuất khẩu và lấp đầy thị trường trong nước khi chè nội tiêu đang trong tình trạng bỏ ngỏ?
Thị trường tiêu thụ chè trong nước có bị bỏ ngỏ?
Thị trường tiêu thụ chè trong nước có bị bỏ ngỏ?
alt

“Giật mình” với mức tiêu thụ chè trong nước

Việt Nam được coi là “cái nôi” của ngành chè thế giới, chất lượng chè ngon, có nền văn hóa trà lâu đời, tuy nhiên mức tiêu thụ chè trong nước lại quá thấp. Theo lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, nước ta hiện có gần 90 triệu dân nhưng mức tiêu thụ chè trong nước chỉ đạt 30.000 tấn chè/năm, nếu tính bình quân theo đầu người chỉ đạt 300gr chè/người/năm. Con số này quá thấp so với tiềm năng của thị trường trong nước. Trong khi đó, mức tiêu thụ chè bình quân theo đầu người ở Trung Quốc đạt hơn 1kg chè/người/năm, ở Nhật Bản đạt 2kg/người/năm, ở các nước Trung Đông đạt hơn 2kg/người/năm, ở Nga, Anh đều đạt trên 2,5kg/người/năm, gấp gần 10 lần mức tiêu thụ chè của Việt Nam. Con số này khiến không ít người phải giật mình.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, giá chè xuất khẩu hiện nay thấp hơn so với giá chè bán trong nước, giá trị kinh tế cũng thấp hơn so với nội tiêu. Giá chè xuất khẩu hiện nay trung bình chưa đạt 1,5USD/kg, trong khi đó giá chè bán trong nước hiện nay, trung bình đạt từ 110-220.000đ/kg chè (tương đương 5-10USD/kg). Ông Đoàn Anh Tuân – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Tại sao chúng ta cứ phải “bơi” ở thị trường nước ngoài, sức cạnh tranh cao mà lại bỏ trống thị trường ở “sân nhà”? Chúng ta vẫn thường báo cáo thành tích năm nay diện tích trồng chè, sản lượng xuất khẩu tăng hơn năm trước, nhưng vấn đề ở chỗ cũng trên diện tích đó, năm nay thu nhập có cao hơn năm ngoái không?. Bán chè trong nước với số lượng nhiều sẽ có lợi hơn so với xuất khẩu nhiều, cái quan trọng là giá trị gia tăng. Tôi nghĩ, nếu quá nặng tập trung số lượng xuất khẩu thì giá thành sẽ giảm xuống, trong khi đó lại mất nhiều công lao động, chi phí cao hơn, nhưng giá trị thu về lại không tăng. Quan trọng nhất là tư duy của ngành, của doanh nghiệp, người dân… Không nên tăng diện tích trồng chè mà cần quan tâm đến tăng năng suất, chất lượng và giá trị cây chè.

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 110.000 ha chè, năng suất bình quân đạt khoảng gần 8 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt khoảng 32 triệu đồng/ha/năm, giá trị xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Nếu so với ngành cà phê, mía đường thì con số 200 triệu USD ngoại tệ của ngành ngành chè là quá thấp. Lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: “Vấn đề chính là người nông dân trồng chè thu nhập được bao nhiêu trên diện tích vườn, đồi của họ. Nhà nước cũng như hiệp hội, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc người nông dân có muốn trồng chè nữa không, mức thu nhập có xứng đáng với công sức của họ bỏ ra không. Nên coi ngành chè là ngành ổn định xã hội, bởi chè mang lại thu nhập cho hàng triệu nông dân ở vùng đồi núi, mọi chi tiêu sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào cây chè…”. 

Tiềm năng còn rất lớn

Theo tính toán của chuyên gia ngành chè, hiện tiềm năng ở thị trường trong nước còn rất lớn. Với dân số gần 90 triệu người, chỉ cần mỗi người dân tiêu thụ 1kg/người/năm thì một năm đã tiêu thụ được gần 90.000 tấn chè, lúc này áp lực về xuất khẩu không còn nữa. Hiện nay, có một nghịch lý là chúng ta cứ cố xuất khẩu chè thô để tăng sản lượng xuất khẩu, giá bán lại thấp, trong khi đó thị trường trong nước lại bị bỏ trống. Trong những năm qua, một số thương hiệu trà túi lọc nước ngoài đã tấn công vào thị trường Việt Nam, người tiêu dùng phải trả với giá cao… Hiện nay, một số công ty chế biến chè trong nước đã chuyển hướng từ xuất khẩu chè sang phát triển thị trường trong nước và bước đầu đã gặt hái được thành công.

Theo dự báo, trong những năm tới, tiêu thụ chè ngày càng có xu hướng tăng, bởi chè là sản phẩm thiên nhiên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, tìm đến thức uống từ thiên nhiên. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong nước làm thương hiệu phân phối, đóng gói sản phẩm chè một cách bài bản vẫn còn ít. Do vậy, Nhà nước cần tạo cơ chế tốt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư đóng gói, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. “Chúng ta có thể phát triển Việt Nam thành quốc gia về chè, thu hút khách du lịch quốc tế, bán với giá cao hơn hoặc xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn. Hiện nay, chè sen đang thành công với nâng cao giá trị gia tăng, người ta chỉ cần ướp hoa sen, bán từ 2-5 triệu đồng/kg, đây không phải người ta thích mùi sen, mà người ta nghe câu chuyện về hoa sen, người trồng sen, đưa hồn vào sản phẩm, nâng cao giá trị….” – lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết.

Tác giả bài viết: giacongtra

Nguồn tin: www.vba.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *